Thứ Năm, 7 tháng 11, 2019

Báo DĐDN: Đề xuất vay 34.573 tỷ yên xây dựng cầu Đại Ngãi

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất vay khoảng 34.573 tỷ yên Nhật bằng vốn ODA của Nhật Bản cho Dự án cầu Đại Ngãi.

Bài viết này thuộc danh mục:✅ Giao thông, được chúng tôi tổng hợp từ báo DĐDN, nguồn bài: https://enternews.vn/de-xuat-vay-34-573-ty-yen-xay-dung-cau-dai-ngai-160964.html

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa có công văn gửi Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đề nghị Chính phủ Nhật Bản xem xét cấp ODA vốn vay cho Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi trên Quốc lộ 60 thuộc địa phận tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng.

Trước đó, vào tháng 10/2019, Thủ tướng đã ký Quyết định số 1478/QĐ – TTg phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng cầu Đại Ngãi sử dụng vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản.

Nếu cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ khai thông toàn tuyến giao thông quốc lộ 60.

Dự án có chiều dài 15,2 km, bao gồm việc xây dựng cầu Đại Ngãi 1, cầu Đại Ngãi 2 và đường dẫn (bao gồm một số cầu trung và cầu nhỏ trên tuyến). Dự án có điểm đầu giao với Quốc lộ 54 tại huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh; điểm cuối giao với đường Nam Sông Hậu, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Tổng mức đầu tư giai đoạn 1 của Dự án 8.040,669 tỷ đồng, tương đương 39,405 tỷ yên, trong đó vốn ODA của Chính phủ Nhật Bản là 7.054,64 tỷ đồng, tương đương 34,573 tỷ yên; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 986,035 tỷ đồng, tương đương 4,832 tỷ yên.

Còn nhớ, vào tháng 12/2015, dự án xây dựng cầu Đại Ngãi rầm rộ làm lễ khởi động. Thế nhưng đến nay, biết bao người dân ở hai tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh ngày càng cạn dần niềm vui, bức xúc vì dự án “án binh bất động”. Thế nhưng suốt 3 năm rưỡi qua, dự án vẫn chưa thi công vì chưa xác định được nhà đầu tư dự án và chưa xác định nguồn vốn đầu tư dự án.

Tháng 7/2015, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xây cầu Đại Ngãi bằng hai nguồn vốn đầu tư, gồm vốn hợp phần 1 là đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng, kinh doanh và chuyển giao) và vốn hợp phần 2 là ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên trong báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 8-2016, Bộ GTVT cho biết đối với vốn hợp phần 1 có liên danh nhà đầu tư là Công ty cổ phần đầu tư xây dựng Tuấn Lộc và Công ty TNHH sản xuất thương mại dịch vụ Yên Khánh tham gia, nhưng qua xét tuyển hồ sơ dự sơ tuyển thì liên danh nhà đầu tư này không đạt yêu cầu.

Theo Bộ GTVT, đối với hợp phần 2, nguồn vốn thực hiện do ngân sách nhà nước trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2016-2020 rất khó khăn. Vì vậy, sau khi thẩm định hồ sơ dự án, Bộ Kế hoạch và đầu tư đề xuất sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để đầu tư hợp phần 2. Nhưng chủ trương phát hành trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 chưa được Quốc hội thông qua nên chưa có cơ sở để thẩm định nguồn vốn này.

Vì vậy, Bộ GTVT khẳng định cả hai hợp phần dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nên không thể tiếp tục thực hiện dự án trên. Từ đây, Bộ GTVT kiến nghị Thủ tướng cho phép chuyển đổi phương thức đầu tư dự án xây dựng cầu Đại Ngãi sang sử dụng vốn vay ODA của nhà tài trợ nước ngoài.

Hiện tại người dân và các phương tiện phải di chuyển bằng phà Đại Ngãi và phà Cầu Quan với thời gian 2,5 giờ/lượt nên hạn chế phương tiện đi theo tuyến quốc lộ 60 về TP HCM. Đây cũng là lý do làm tăng áp lực giao thông lên tuyến quốc lộ 1 đang bị quá tải.

Nếu cầu Đại Ngãi hoàn thành sẽ khai thông toàn tuyến giao thông quốc lộ 60. Từ đây nâng cao năng lực vận tải cho vùng ĐBSCL và tạo sự kết nối giao thông thuận tiện giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với TP HCM, bởi khi đó đi từ Cà Mau về TP HCM sẽ gần hơn 80km so với di chuyển theo tuyến quốc lộ 1 như hiện nay.

Nguyễn Việt

Tìm kiếm:✨

  • Cầu Đại Ngãi, Quốc lộ 60, Cầu Đại Ngãi 1, Phà Cầu Quan, Cầu Đại Ngãi 2, Hợp phần, Quốc lộ 54, Đường Nam sông Hậu, TTG, Đại Ngãi, Tiểu Cần, Chính phủ Nhật Bản, Oda, Bộ kế hoạch và đầu tư, Long Phú, Đại sứ quán Nhật Bản, Bộ Kế hoạch, Sóc Trăng, Liên danh, Trái phiếu chính phủ