Trao đổi bên hành lang Quốc hội, nhiều đại biểu bày tỏ không đồng tình với yêu cầu phải có chứng chỉ tin học, ngoại ngữ với giáo viên khi thăng hạng, nâng ngạch; đây là quy định khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng, dễ nảy sinh tiêu cực.
Bài viết này thuộc danh mục:✅ Giáo dục, được chúng tôi tổng hợp từ báo Tin Tức TTXVN, nguồn bài: http://baotintuc.vn/thoi-su/quy-dinh-giao-vien-phai-co-chung-chi-tin-hoc-ngoai-ngu-de-thang-hang-la-thieu-thuc-te-20191107152829366.htm
Trao đổi bên lề kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, đoàn Trà Vinh cho biết: “Tôi mong muốn và sẽ chất vấn Bộ Nội vụ về quy định thi thăng hạng, nâng ngạch với giáo viên phải có chứng chỉ tin học và ngoại ngữ. Quy định này đã khiến nhiều giáo viên tâm tư, lo lắng, bức xúc. Nếu không chất vấn được trên hội trường tôi sẽ gửi văn bản để được giải quyết”.
Theo đó, ngành giáo dục đang đứng trước những đổi mới, thử thách, giáo viên đang đứng trước nhiều áp lực; trong đó có áp lực làm sao để trụ lại được ở trong ngành.
Về việc thi thăng hạng, nâng ngạch, quy định yêu cầu chứng chỉ tin học và ngoại ngữ đối với giáo viên cần thực tế hơn. Có những vị trí, những chứng chỉ này gắn liền với công việc là cần thiết nhưng nhiều vị trí, có khi cả chục năm cũng không phải dùng đến ngoại ngữ. Tuy nhiên khi quy định bắt buộc, khiến họ buộc phải tìm mọi cách để đáp ứng yêu cầu.
Cũng theo đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai, dù đã phản ánh rất nhiều về vấn đề này nhưng chưa được giải quyết khiến giáo viên rất bức xúc. Thậm chí, những người đã là tiến sĩ, thạc sĩ nhưng còn chưa thể sử dụng ngoại ngữ để trình bày những báo cáo, tham luận nội dung nghiên cứu; huống chi các giáo viên tối ngày lo việc giảng dạy thì không thể có thời gian để sử dụng những kỹ năng này.
“Việc muốn chuẩn hóa đội ngũ giáo viên theo tiêu chuẩn phải hôi nhập nhưng cách làm như hiện nay vẫn còn nhiều điểm cần điều chỉnh lại cho phù hợp với thực tế. Cần phải phân loại các cán bộ ở cấp nào, ai thường xuyên sử dụng ngoại ngữ thì hãy yêu cầu còn với những giáo viên trực tiếp giảng dạy mà không phả dụng đến ngoại ngữ là không phù hợp, thậm chí lãng phí và đương nhiên sẽ có tiêu cực xảy ra”, đại biểu Tăng Thị Ngọc Mai đề xuất.
Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, đoàn Phú Yên cũng cho rằng: “Những quy định này thậm chí còn là yếu tố gây cản trở trong quá trình cống hiến của đội ngũ công chức, viên chức. Việc quy định rập khuôn tạo cho đội ngũ công chứng, viên chức những ức chế không đáng có. Chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là những chứng chỉ kỹ năng phải có điều kiện thực hành và sử dụng liên tục thường xuyên mới có ý nghĩa, trong khi nhiều môi trường giảng dạy còn không điều kiện để sử dụng. Đơn cử như giáo viên ở miền núi, những vùng khó khăn chỉ mong giúp được các em học sinh đến trường, biết được con chữ đã là tốt lắm rồi, nói gì đến các chứng chỉ, kỹ năng cao siêu”.
Cũng theo đại biểu Phạm Thị Minh Hiền, nếu Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục & Đào tạo rà soát lại chính sách, nghiên cứu thực tế thì sẽ thấy hầu hết giáo viên khó có đủ điều kiện, thời gian để theo các lớp học chứng chỉ. Điều này thể hiện việc chưa có sự chia sẻ với đội ngũ giáo viên, mang đến khó khăn cho họ thì không thể gọi là cải cách giáo dục theo hướng tích cực được.
“Đây là quy định rập khuôn, thiếu tính thực tế, tính khả thi và tạo ra những bức xúc rất lớn trong xã hội. Bộ Nội vụ, Bộ Giáo dục & Đào tạo và các bên có liên quan cần phải nhìn lại để nhất quán các quy định, chính sách chứ không phải cứ đưa ra mà không tính đến hiệu quả. Sự phức tạp, rườm rà, càng tạo lỗ hổng cho những tiêu cực, nhất là khi hiểu sai và thực hiện máy móc. Việc quy định cần đặt trong tình hình kinh tế- xã hội ở từng địa phương, vùng miền để có những quy định phù hợp”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền đánh giá.
Tìm kiếm:✨
- Tăng Thị Ngọc Mai, Phạm Thị Minh Hiền, Tin học, Ngạch, Chứng chỉ, Lên hạng, Rập khuôn, Ngoại ngữ, Không điều kiện, Bộ nội vụ, Tâm tư, Quốc Hội Khóa XIV, Trà Vinh, Nói gì đến, Cao siêu, Giáo viên, Huống chi, Cần điều chỉnh, Phú Yên, Giảng dạy